4 Sắc thái Xấu Hổ trong tiếng Hàn Quốc

Mỗi con người khi sinh ra đều mang trong mình một tính cách khác nhau. Chẳng ai giống ai cả, và qua quá trình phát triển không ngừng, tính cách ấy ngày càng được thể hiện rõ. Tính cách của con người, cùng với những cảm xúc kèm trong đó, làm cho con người trở lên bí ẩn hơn bao giờ hết. Cảm xúc như vui, buồn, lo lắng, sợ hãi, bất an,… mỗi cung bậc cảm xúc đưa con người tới những suy nghĩ riêng, những tình cảnh riêng. Sự xấu hổ là một trong những cảm xúc ấy.

Xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn với lỗi mà mình đã gây ra, hay cảm thấy kém cỏi trước người khác. Xấu hổ không phải là việc xấu, mà đôi khi đó còn là việc làm con người ta tiến bộ hơn.

(Ảnh hoctot)

Do cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên những tư tưởng của đạo Khổng, và đương nhiên là cả “văn hóa xấu hổ” cũng đóng một vai trò mật thiết trong những phép tắc, lễ nghĩ cư xử trong xã hội Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn có rất nhiều từ dùng để chỉ sự xấu hổ như: 부끄럽다, 수치스럽다, 창피하다, 수줍다. Vậy cần phân biệt sắc thái, mức độ của những từ này như thế nào? Ta hãy tìm hiểu sắc thái, mức độ biểu hiện của những từ ngữ này, đồng thời phân biệt sự khác nhau giữa “văn hóa xấu hổ” và “văn hóa tội lỗi” để thấy rõ sự khác biệt về cách tiếp cận, hành xử trong xã hội của người phương Đông và phương Tây. Từ niềm tin của cả cá nhân lẫn cộng đồng đối với những khái niệm liên quan đến tội lỗi, mỗi nền văn hóa có những định nghĩa có thể không giống nhau về những điều sai trái. Trước hết, để so sánh mức độ biểu hiện sự “xấu hổ” của các từ: 부끄럽다, 수치스럽다, 창피하다, 수줍다 ta hãy đặt chúng vào văn cảnh cụ thể:

1. 부끄럽다

부끄러운 과거. Quá khứ đáng xấu hổ. 남을 속이는 짓은 부끄러운 일이다. Lừa dối người khác là việc làm đáng xấu hổ. 자신의 죄를 부끄럽게 여기다. Tự xấu hổ về tội lỗi của bản thân. 부끄럽다 là cảm giác cắn rứt lương tâm, tự bản thân chủ thể không thể đường hoàng, đĩnh đạc trước mặt người khác do mặc cảm tội lỗi. Khi mắc lỗi, con người ta thường đỏ mặt, không dám ngẩng đầu trước nhìn người khác. Bởi thế, có những trường hợp mắc lỗi mà không biết xấu hổ, lại tỏ ra trơ trẽn, ngang nhiên như không người ta hay có biểu hiện 얼굴 두껍다 (mặt dày) hoặc 얼굴에 철판에 깔았다 (lót, trải tấm sắt vào mặt). Như thế, 부끄럽다 là trạng thái xấu hổ có liên quan mật thiết tới các khái niệm như: 양심 (lương tâm), 도덕 (đạo đức), 윤리 (luân lí), 규율 (điều lệ), 관습 (tập quán). Xét tại những khía cạnh này, khi cảm giác tội lỗi được ý thức tới mức cao nhất, bản thân chủ thể nhận thực rõ rệt nhất về lỗi lầm, ta có từ 수치스럽다.

2. 수치스럽다

그런 일은 입에 올리기도 수치스럽다. Việc đó nói ra miệng cũng đã thấy đáng xấu hổ. 남자 여러 명이 여자 한 명을 괴롭힌다니, 수치스러운 줄 알아라! Mấy đứa con trai mà bắt nạt một đứa con gái, phải biết xấu hổ vì việc đó chứ! 수 치스럽다 còn vượt qua cả cảm giác tội lỗi, xấu hổ, được đẩy lên thành cảm giác bị nhục nhã, ô nhục. Sử dụng từ này là khi người nói ý thức được danh dự, thể diện của mình bị tổn hại, mất mát một cách nghiêm trọng nhất. Bởi thế sẽ hơi quá mức khi dùng tình từ này để nói về những khuyết điểm hay sự lầm lỡ nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày.

3. 창피하다

나는 그 사람에게 눈물을 보인 것이 무척 창피했다. Tôi rất xấu hổ khi để cho người đó nhìn thấy nước mắt của mình. 너는 동생하고 싸우는 것이 창피하지도 않니? Con không thấy xấu hổ khi đánh nhau với em à? 창 피하다 có sắc thái gần giống với 부끄럽다 nhưng được dùng cho những lỗi lầm nhẹ nhàng hơn, không liên quan đến lương tâm hay đạo đức.

4. 수줍다

그녀는 나를 보자 금세 얼굴이 빨갛게 물들면서 수줍어 어쩔 줄을 몰라 했다. Cô ấy vừa nhìn thấy tôi đã đỏ mặt xấu hổ, không biết phải làm thế nào. 그는 수줍어서 말도 잘 못했다. Anh ta nhút nhát nên không biết nói năng gì. 수 줍다 là sự xấu hổ không phải do lỗi lầm, khuyết điểm mà do bản tính rụt rè, nhút nhát tạo nên. Một điểm đáng chú ý là nếu 부끄럽다 thường được dùng làm vị ngữ kết thúc câu thì 수줍다 thường chỉ làm bổ ngữ 수줍은 미소 ( 미소가 수줍다 là biểu hiện ít dùng). Như vậy, xét theo mức độ cảm giác “xấu hổ” có thể phân loại như sau: 수치스럽다 > 부끄럽다 > 창피하다 > 수줍다. Trong sinh hoạt hàng ngày, hai từ được dùng nhiều và hay gây nhầm lẫn nhiều nhất là 부끄럽다 và 창피하다 . Trong nhiều từ điển cũng xuất hiện tình trạng dùng từ này để giải thích cho từ kia. Khi một đứa bé cởi quần áo trước mặt mọi người, người lớn hay nói “아이, 창피해” hoặc “아이, 부끄러워”. Hoặc khi đang đi giữa đường, ta bị ngã do trượt chân phải vỏ chuối, mọi người xung quanh nhìn thấy đều khúc khích cười. Trong trường hợp đó, ta phải dùng 부끄럽다 hay 창피하다? Nhà thơ nổi tiếng của Hàn Quốc Yun Dong Ju (윤동주) trong bài 서시 (Seo si) có viết: 죽는 날까지 하늘을 우러러 한 점 부끄러움이 없기를 잎새에 이는 바람에도 나는 괴로워했다. Cho đến ngày chết Không có một vết nhơ Ngay cả ngọn gió lướt qua lá non Cũng khiến tôi bận lòng. Trong khổ thơ này, nếu thay 부끄럽다 bằng 창피하다 (죽는 날까지 하늘을 우러러/ 한 점 창피함이 없기를) thì ý thơ sẽ hoàn toàn mất đi giá trị của nó. Bởi nỗi xấu hổ của Yun Dong Ju không phải nỗi xấu hổ của cuộc sống thường ngày mà chứa đựng cả những cảm xúc luân lí, triết học vô cùng tinh tế và sâu sắc. Nói cách khác, cùng là nỗi xấu hổ nhưng 부끄럽다 có độ sâu hơn 창피하다 bởi đây là cảm giác gắn bó mật thiết với lương tâm, đạo đức. Đối chiếu với văn hóa xấu hổ và văn hóa tỗi lỗi được đề cập phía trên thì có thể coi 부끄럽다 là minh chứng cho văn hóa tội lỗi, 창피하다 là minh chứng cho văn hóa xấu hổ. Xấu hổ là cảm giác “tôi thật xấu xa”. Tội lỗi là cảm giác “tôi đã làm một việc xấu”. Cảm giác xấu hổ là để chỉ tôi là ai trong khi cảm giác tội lỗi để chỉ việc tôi đã làm gì. Sự khác biệt cơ bản sẽ là: Cá nhân trong mỗi dạng văn hóa sẽ hành xử khác khi đánh giá của cộng đồng khác với đánh giá của chính cá nhân đó. Đó là trường hợp cá nhân tin mình không có lỗi trong khi cộng đồng tin là có và ngược lại.Văn hóa tội lỗi nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân, không ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội hay những điều đã được xã hội phê duỵệt. Văn hóa tội lỗi liên quan đến sự thật, pháp lý và bảo tồn quyền cá nhân. Nó cũng cho thấy sự phán xét bên trong của cá nhân mới đóng vai trò quan trọng trong hành xử. Do vậy dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao tự do cá nhân (individualistic society). Cảm giác tội lỗi sẽ giữ con người khỏi những việc làm sai trái. Trong nền văn hóa xấu hổ, các tập tục xã hội phát triển xung quanh các ý niệm liên quan mật thiết đến nhận dạng về cộng đồng. Dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao cộng đồng (collective society). Trong văn hóa xấu hổ, cái mọi người tin (hay nghĩ) quan trọng hơn. Có một khía cạnh khác để phân biệt hai từ này là 창피하다 là cảm giác xấu hổ xuất phát từ ý thức coi trọng cái nhìn, sự đánh giá của người khác đối với bản thân mình. Tức, nó nhấn mạnh đến위신 (uy tín, thanh thế, lòng tự trọng của con người). Khi ngủ gật trong lớp bị thầy cô phát hiện, khi đi chơi mà không biết trên miệng còn dính hạt cơm, khi mời bạn đi ăn mà đến lúc thanh toán mới phát hiện ra không mang theo ví tiền… Nếu như 창피하다 biểu hiện cho những vấn đề mang tính cá nhân và “hướng ngoại” thì 부끄럽다 lại được dùng để chỉ những nỗi xấu hổ mang tính chất xã hội, lịch sử. Giống như tiếng Việt khi nói nỗi nhục bị mất nước, nỗi nhục bị thống trị… thì đây là những vấn đề không chỉ dành cho cá nhân mà cả một cộng đồng. Ngoài ra, 부끄럽다 là cảm giác xấu hổ mang tính “hướng nội”, tức không do ai bắt ép hay đánh giá mà mỗi cá nhân, do những ảnh hưởng và kế thừa về lịch sử, văn hóa – khi tự thấy không làm tròn bổn phận với những giá trị chuẩn mực do chính mình đặt ra. Chuẩn mực của 부끄럽다 không bắt nguồn từ sự phán xét của người khác như 창피하다 mà là sự chuẩn mực do mỗi chủ thể tự định hình. Ví dụ khi nói: “가난을 부끄러워할 필요는 없다” (Nghèo khổ không phải là điều đáng xấu hổ) thay 부끄럽다 bằng 창피하다 sẽ khiến câu văn thiếu tự nhiên bởi chủ thể ở đây muốn nhấn mạnh, nghèo khổ không phải là một “cái tội” mang ra để phán xét, để đáng phải xấu hổ. Ngoài ra, nếu xét những từ “đối ứng” với 부끄럽다 ta có thể liệt kê ra 자랑스럽다 (tự hào), 떳떳하다 (đường hoàng, chính trực), 당당하다 (oai vệ, trang nghiêm). Còn để đi tìm cách nói ngược cho 창피하다 ta chỉ có thể dùng cách nói phủ định 장피하지 않다. Sau đây, để phân biệt rõ sắc thái của hai từ 부끄럽다 và 창피하다 mời các bạn theo dõi bảng tóm tắt sau:

부끄럽다 창피하다
Lấy tiêu chuẩn là sự tự nhận thức từ bên trong của chủ thể Lấy tiêu chuẩn là sự ý thức dựa vào con mắt, cách đánh giá của người khác
Dùng cho những vấn đề cá nhân lẫn tập thể Dùng cho những trường hợp riêng tư
Tính chất vấn đề mang sắc thái nặng nề Tính chất vấn đề nhẹ nhàng

theo Thongtinhanquoc

4/5 - (1 bình chọn)

Hai thẻ thay đổi nội dung bên dưới.

Blogkimchi.com

Blog chia sẻ về tài liệu học tiếng Hàn, Topik và Hàn Quốc. Bài ghim tài liệu ôn Topik II.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ ✌

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận