Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn nếu bạn muốn thành công

BlogKimChi.com – Bạn cần phải nói trước đám đông, nhưng đầu gối của bạn dường như bị khóa chặt ngay khi bạn có ý định bước lên bục phát biểu. Bạn muốn mở rộng các mối quan hệ của mình, nhưng lại ngại giao tiếp với người lạ. Đưa ra ý kiến trong một cuộc họp sẽ là cơ hội để bạn có thể xây dựng uy tín của mình trong công việc, nhưng bạn luôn sợ rằng phát biểu của mình sẽ sai. Những tính huống như thế này có thể xảy ra với bất kỳ ai, và cách xử lý thường gặp nhất là tránh không làm việc đó nữa. 

Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn nếu bạn muốn thành công
Ảnh minh họa(đào đạt)

Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ những việc khó chịu này chính là việc mà bạn cần phải làm. Khi chúng ta lớn lên và bắt đầu học họi mọi thứ, từ những công việc cho đến sự nghiệp, chúng ta liên tục phải đối mặt với các tình huống mà khi đó, chúng ta cần phải điều chỉnh hành vi của mình. Nếu không được trang bị đủ các kỹ năng và tôi luyện lòng dũng cảm, bạn có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong đời mình. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể vượt qua những “thử thách” này?

Đầu tiên, hãy trung thực với chính mình. Khi bạn từ chối cơ hội để tham gia thảo luận tại một hội nghị ngành công nghiệp hàng đầu, đó là bởi vì bạn không có thời gian, hay do bạn quá sợ hãi để có mặt tại đó? Và khi bạn quyết định không đối đầu với người đồng nghiệp đang cố tìm cách hãm hại bạn, đó là do bạn nghĩ cuối cùng mọi chuyện cũng sẽ qua, hay là vì bạn sợ xảy ra xung đột với họ? 

Tìm mọi lý do để tự bào chữa sẽ khiến cho bạn không dám tiếp xúc với những khu vực nằm ngoài “góc an toàn” của mình. Nếu một người nào đó cung cấp cho bạn những lời bào chữa cho hành vi tương tự, bạn sẽ xem đó là lời bào chữa hay một lý do chính đáng? Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua sự thụ động của mình nếu bạn không trung thực với động cơ đầu tiên khi bạn đưa ra một quyết định nào đó.

Sau đó, hãy hành động theo cách của riêng bạn. Rất ít người có thể chiến đấu với mỗi tình huống khó khăn trong công việc. Bạn có thể khổ sở trong việc tán gẫu, nhưng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu đề tài bạn đưa ra chính là “sở trường” của bạn. Hoặc bạn cũng có thể gặp khó khăn khi thiết lập mối quan hệ mới, ngoại trừ việc bạn chọn cho mình một bối cảnh không quá lớn để làm quen với ai đó. 

Nhận ra cơ hội và tận dụng lợi thế, đó là mấu chốt của vấn đề. Giáo sư Andy Molinsky tại Đại học Harvard qua nhiều năm làm việc với những người cố bước ra “vùng an toàn” của họ tại nơi làm việc cũng như trong cuộc sống, những gì ông nhận ra là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn so với những gì chúng ta nghĩ trong việc làm cho tình huống trở nên bớt căng thẳng hơn. Hãy tìm cách nhằm điều chỉnh hành vi của mình sao cho nó đủ dễ để thực hiện hơn và cố giảm thiểu sự khó chịu đến mức thấp nhất có thể.

Ví dụ, bạn cảm thấy áp lực khi phải trò chuyện với một nhóm nhiều người, trong một không gian ồn ào, hãy tìm một góc yên tĩnh hơn để nói chuyện hoặc bước ra hành lang, thậm chí là bên ngoài văn phòng để bàn bạc cùng nhau. Nếu bạn ghét nói chuyện trước công chúng và các sự kiện giao lưu, nhưng bạn cảm thấy thoải mái hơn nếu đó là trong một khán phòng nhỏ với ít người hơn, hãy tìm kiếm cơ hội để nói trước nhóm nhỏ đó hoặc tạo một cuộc hẹn đi cà phê thân mật với những người mà bạn muốn hợp tác cùng họ.

Cuối cùng, thử liều một phen xem sao! Để bước ra ngoài “vùng an toàn”, bạn phải hành động, thậm chí đó là những điều khiến bạn không thoải mái. Hãy đặt bạn vào tình huống mà khi đó bạn buộc phải dấn thân vào, lúc bấy giờ, bạn sẽ khám phá ra rằng những điều ban đầu bạn tưởng tượng không đáng sợ như bạn nghĩ. Giáo sư Andy Molinsky như bao người khác, từng có một thời gian rất ngại giao tiếp trước đám đông. Thời đi học, ông từng tham gia một lớp diễn thuyết và người đứng lớp lúc bấy giờ đã cung cấp cho học viên những bài thuyết trình, trong những tờ ghi chú. 

Sau đó, họ được căn dặn là phải nộp lại những tờ ghi chú đó và trình bày một cách trôi chảy nội dung bài diễn thuyết ở buổi học thứ 3 hoặc thứ 4. Andy Molinsky khi đó vô cùng lo sợ, nhưng trên thực tế, nó có tác dụng. Ông đã thể hiện tốt phần trình bày của mình, việc nói mà không cần nhìn giấy giúp cho cách diễn đạt tự nhiên hơn và đáng tin cậy hơn. Nhưng nếu không có một cơ chế ràng buộc thúc đẩy hành động, giáo sư Molinsky có lẽ sẽ không bao giờ dám “thử một lần xem sao”.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Thay vì nhảy ngay vào việc phát biểu tại một hội nghị lớn, hãy đăng ký một lớp học nói trước đám đông chẳng hạn. Thay vì đưa ý kiến trong phòng họp với sự có mặt của “sếp lớn”, hãy thử bắt đầu tự việc nêu lên quan điểm của mình tại các cuộc họp nhỏ với đồng nghiệp để xem cảm giác của mình như thế nào. Ngoài ra, cũng nên tìm một người bạn thân hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy để họ đưa ra lời khuyên cũng như động viên mình trước tình huống khó khăn. 

Bạn có thể vấp ngã, nhưng đó không phải là vấn đề. Trên thực tế, vấp ngã chính là cách duy nhất để bạn có thể học hỏi và trưởng thành. Đôi lúc, bạn có thể cảm thấy bất lực khi bị đặt trong tình huống nằm ngoài “vùng an toàn”, nhưng chúng ta thật sự có nhiều sức mạnh hơn so với những gì chúng ta nghĩ. Hãy trung thực với chính mình, tìm ra cách giải quyết riêng và liều một phen!

Nguồn dịch: Tinhte.vn Bản gốc: Harvard Business Review ​

Đánh giá bài

Hai thẻ thay đổi nội dung bên dưới.

Blogkimchi.com

Blog chia sẻ về tài liệu học tiếng Hàn, Topik và Hàn Quốc. Bài ghim tài liệu ôn Topik II.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ ✌

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận