Đọc bài này và hãy “ngưng” than thở về “màu hồng” Hàn Quốc
BlogKimChi.com – Có lẽ một trong những cách để giúp ta có động lực làm một việc nào đó chính là nhìn một ai đó học hỏi 1 tấm gương nào đó đã thành công trên con đường của họ mà con đường này chính bạn cũng đang hướng tới.
Trong bài hôm nay mình sẽ chia sẻ lại bài viết được đăng trên báo Tuổi Trẻ từ năm 2004 với tựa đề “Lê Huy Khoa và từ điển cuộc đời” bài viết đến nay vẫn còn nguyên giá trị về bài học kinh nghiệm khi các bạn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc hay đi đi du học Hàn.
Nguồn ảnh: KBS |
“Người Hàn Quốc thấm thía sâu sắc nỗi nhục nhằn của đói nghèo. Có lần tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đi thăm công nhân lao động Hàn Quốc tại Đức, nghe họ kể lại thân phận làm thuê khốn khổ, cơ cực, tổng thống và người lao động đã ôm nhau khóc ròng” – câu chuyện mà người Hàn thường kể cho các tu nghiệp sinh VN đã gây ấn tượng mạnh với Lê Huy Khoa, là một người bốc vác tại Hàn Quốc tám năm trước.”
Từ 20 USD của người đầu bếp
Năm 1995, 21 tuổi, Khoa tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nhưng khi ấy ở VN chưa có một trung tâm dạy tiếng Hàn hay khoa tiếng Hàn tại đại học nào cả. Cha (từng là một lưu học sinh VN tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) và Khoa quyết định chọn con đường tu nghiệp sinh ở Hàn Quốc, như Khoa nói,với anh không phải học nghề mà học tiếng Hàn là chính.
Đi nước ngoài, mẹ cho Khoa 20 USD dằn túi. Sang tới nơi, Khoa vay thêm tiền của một người nấu ăn 20 USD nữa và mua được hai quyển từ điển Anh – Hàn, Hàn – Anh. Việc học của Khoa bắt đầu. Nhưng cùng lúc công việc cũng bắt đầu: Khoa được bố trí vào làm kho, chủ yếu là đóng hàng và bốc dỡ lên xuống các container. Khoa kể: “21 tuổi, có lúc lưng tôi như còng xuống, nhưng tôi nghĩ bỏ về thì phải chấm dứt ước mơ sao? Phải gắng thôi”.
Anh học ở nhà ăn, từ 6g sáng đến 23g đêm. Sáng sớm khi mọi người còn ngủ Khoa đã dậy để học cho đến khi đi làm. Cực nhất là nhà ăn ban đêm khóa cửa, không có chỗ học Khoa phải học trong phòng với một bóng đèn che thật thấp vì anh em đều ngủ ở trên sàn. Khoa đặt chỉ tiêu mỗi ngày phải học được sáu tiếng đồng hồ.
Mùa đông lạnh tới đâu cũng ráng. Có những lúc đói và lạnh đến ê nhức cả người, toàn thân đầy mùi thuốc xoa bóp vì làm việc quá cực, nhưng Khoa nghĩ nếu còn gắng được thì nên gắng. Chị Lâm Châu, một trong những tu nghiệp sinh cùng đợt với Khoa, kể lại: “Khoa kiên trì lắm. Và rất sáng. Chỉ tự học như thế mà trong một thời gian ngắn Khoa đã có thể làm phiên dịch cho anh em”.
“Học còn vì tự ái, vì nhục”
Nhưng còn một động lực nữa buộc Khoa phải học. Đó chính là những câu hỏi ngây ngô của người Hàn Quốc về VN: “VN có ngân hàng không?”, “Nghe nói trẻ em VN không có quần áo mặc phải không?”- những câu hỏi mà Khoa nói mới nghe qua đã “tự ái dân tộc” vì “ta không là gì trong mắt họ và họ không hiểu gì về ta cả”.
Lý do thứ hai là nhục. Khoa bảo: “Câu hỏi chì chiết tôi lúc đó là tại sao một đất nước không có tài nguyên gì, cũng bị hoang tàn sau chiến tranh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn xây dựng được một nền kinh tế hùng mạnh, còn nước mình…”.
Năm 1997, xong đợt lao động, Khoa về nước, và chỉ ba tháng sau được mời làm đại diện cho một công ty xuất khẩu lao động VN tại Hàn Quốc. Chính từ đây Khoa mới được học tiếng Hàn chính thức tại Đại học Yonsei và tốt nghiệp chương trình học hai năm với bằng chứng chỉ năng lực ưu tú tiếng Hàn.
Bất đồng ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất của tu nghiệp sinh VN. Năm 1998, Khoa bắt tay vào làm quyển sách cho tu nghiệp sinh: Tự học câu và từ, chú trọng đến mảng lao động, sinh hoạt tại Hàn Quốc. Quyển sách đã được anh em nồng nhiệt đón nhận vì rất cần thiết cho họ. Quyển sách Khoa là vũ khí bé nhỏ để trang bị cho tu nghiệp sinh khi bị xúc phạm.
Và rồi một chuyện chẳng lành đã xảy ra: một tu nghiệp sinh VN bị người Hàn Quốc đánh chết vì lý do gì đó. Các nhà điều tra tìm thấy trong hành lý của cô có quyển sách của Khoa với dòng chữ: Tại sao anh lại đánh tôi? Lập tức các phương tiện truyền thông, các đài truyền hình lớn như KBS, SBS, SBC đưa tin về cái chết, về tình trạng đối xử kém của người Hàn Quốc với người lao động nước ngoài mà cuốn sách của Khoa như một minh chứng. Thái độ đối với người lao động VN đã phần nào cải thiện sau đợt lên tiếng mạnh mẽ của truyền thông Hàn Quốc lần ấy.
Chính trong thời gian này Khoa nghĩ về một quyển từ điển Hàn – Việt vì có sự thấu hiểu ngôn ngữ thì hai dân tộc sẽ gần gũi nhau hơn. Trong năm năm quản lý tu nghiệp sinh, Khoa đã tích lũy một nền tảng cho quyển từ điển của mình.
Anh kể: “Thậm chí những từ chết chóc, mất mát đều xuất phát từ những lần tôi mang di hài của các tu nghiệp sinh VN xấu số không may tử vong tại Hàn Quốc về trao lại cho gia đình”. Tháng 10-2002, cuốn từ điển với 20.000 từ ra đời, đúng kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước..
Trong bài viết có sử dụng trích dẫn và hình ảnh của: